Tìm hiểu về Ta Bà Tam Thánh
Ta Ba Tam Thánh (có một số phiên âm thì gọi là Sa-Bà Tam Thánh) là ba vị được người thế gian xưng tụng là ba vị thường ở thế giới Ta Bà này độ hoá chúng sanh, bao gồm Thích Ca Mâu Ni Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Bồ Tát.
Thứ nhất là Phật Thích Ca Mâu Ni thì ai cũng biết, Ngài là Bổn Sư, thị hiện ở thế gian này để giảng kinh thuyết pháp, suốt 49 năm không ngừng nghỉ nói về chân tướng vũ trụ nhân sinh cho chúng sanh biết, để chúng sanh ở thế giới Ta Bà này phá mê khai ngộ. Trong kinh Phạm Võng có nói, Ngài thị hiện ở thế gian này, lần này là lần thứ 8000, mỗi lần như thế Ngài đều dùng rất nhiều phương tiện để giảng rõ, giúp vô lượng vô biên chúng sanh đã được phá mê khai ngộ, tu hành chứng đạo.
Vị thứ hai là Quán Thế Âm Bồ Tát, dân gian thường gọi là Phật Bà Quan Âm hay thân thiết hơn là Mẹ Quan Âm. Ngài chính là một trong ba vị Thánh ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài cùng với Đại Thế Chí Bồ Tát đứng ở hai bên Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc. Khi thị hiện ở Ta Bà, Ngài có hạnh nguyện lắng nghe mọi khổ nạn của chúng sanh ở Ta Bà, nếu có chúng sanh nào lúc khổ nạn cấp bách, chỉ cần chí tâm xưng niệm danh hiệu ngài, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì lập tức được Ngài ứng hoá đến để giúp họ lìa khổ. Để hiểu hơn về các hạnh nguyện của Ngài, chúng ta có thể tìm thêm ở trong phẩm Phổ Môn của kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Kinh Pháp Hoa). Đặc biệt, người nào học theo hạnh nguyện Đại Từ Đại Bi của Ngài, thường xuyên giúp đỡ người khác, thì khi mình bị nạn, sẽ dễ cảm ứng với Ngài hơn.
Vị thứ ba là Địa Tạng Vương Bồ Tát. Đây là vị Bồ Tát biểu pháp cho tinh thần Hiếu đạo. Địa Tạng Vương Bồ Tát được ví như là Thầy của chư Phật. Ngài có một đại nguyện là "Địa Ngục chưa trống không, thề chưa thành Phật, chúng sanh chưa được độ thề chưa chứng Bồ Đề", vì tâm nguyện ấy nên giờ này Ngài vẫn ở trong Địa ngục để cứu độ chúng sanh khổ nạn. Để tìm hiểu về Ngài, chúng ta nên tìm đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, trong kinh nói rõ hết nhân địa của Ngài, Ngài vì sao có tên gọi là Địa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa của danh hiệu Ngài là gì. Trong kinh cũng nói, Ngài được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phó chúc cho Ngài ở cõi Ta Bà này, sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, Ngài sẽ tiếp tục nhận trách nhiệm độ thoát chúng sinh cho đến khi Đức Phật Di Lặc ra đời.
Chính vì nhân duyên vô cùng thù thắng như vậy, nên người ta xưng ba vị Đại Thánh này là Ta Bà Tam Thánh.
Ý nghĩa biểu pháp của Tượng Ta Bà Tam Thánh
Khi thờ tượng Ta Bà Tam Thánh, chúng ta phải hiểu rõ về các Ngài thì mới thấy biểu pháp giáo dục ở đây vô cùng lớn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở cõi Ngũ trược ác thế này để giáo hoá chúng sinh, khi chúng ta thờ Ngài thì chúng ta luôn hướng tâm về Ngài, hướng tâm về những gì Ngài dạy, hướng tâm về những gì Ngài làm, nguyện học theo Ngài, buông bỏ hết tham sân si mạn, nhận lấy sứ mệnh giáo dục đa nguyên văn hoá, giáo dục xã hội để giúp cho chúng sinh phá mê khai ngộ. Khi nhìn sang tượng Phật Quan Âm (tương Quan Thế Âm Bồ Tát), chúng ta liền tưởng nhớ đến những hạnh nguyện của Ngài, sự từ bi vô bờ bến của Ngài, tâm nguyện rộng lớn độ thoát chúng sinh, chúng ta học tập theo, nguyện nỗ lực giúp đỡ những chúng sinh khổ nạn. Thấy khổ nạn liền chìa tay ra giúp đỡ. Còn khi nhìn thấy tượng Địa Tạng Bồ Tát, chúng ta liền nghĩ ngay đến gốc căn bản làm người, đó chính là Hiếu Đạo. Hiếu thảo là gốc của làm người, một người sống trong đời không biết Hiếu thuận cha mẹ thì không thể nào trở thành một người tốt được. Trong nhà Nho cũng nói, bất ái kỳ thân nhi ái tha nhân giả, vị chi bội đức (nghĩa là không yêu thương cha mẹ, mà yêu thương người khác, ấy chính là trái với tính đức). Cho nên nhìn thấy Ngài Địa Tạng Bồ Tát, ta liền nghĩ ngay đến Hiếu đạo, từ Hiếu đạo mà mở rộng tâm lượng rộng đến khắp hư không pháp giới, không có bờ mé.
Cho nên, khi hiểu được thì mỗi một tượng, mỗi một hình tướng của Phật Bồ Tát đều là biểu pháp vô cùng ý nghĩa.
Thờ tượng Ta Bà Tam Thánh như thế nào
Đối với tượng Ta Bà Tam Thánh, chúng ta vẫn thờ như thờ tượng bình thường. Việc thờ tượng Phật cốt là để khởi tâm cung kính đối với Phật, Bồ Tát và học tập theo các Ngài. Mối quan hệ giữa chúng ta với Phật Bồ Tát là mối quan hệ Thầy - Trò. Phật là trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là Giác, giác ngộ. Phật Bồ Tát là người giác ngộ, giác ngộ chân tướng vũ trụ nhân sinh, cho nên các Ngài dạy lại cho chúng ta, hi vọng chúng ta cũng giác ngộ, cũng có thể thành Phật. Khi thờ tượng Ta Bà Tam Thánh, mỗi ngày chúng ta đảnh lễ, cung kính cúng dường các Ngài, là mỗi ngày chúng ta huân tập thêm tâm cung kính của chính mình. Một phần thành kính thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì được mười phần lợi ích. Cho nên, càng thành kính thì chúng ta càng được nhiều lợi ích, lợi ích chính là chúng ta học tập được những lời giáo huấn của các Ngài, khiến cho cuộc sống ngày càng viên mãn hơn, ngày càng an lạc hơn.